Cán bộ Đoàn khởi nghiệp thành công từ số vốn hơn 03 triệu đồng

Tại Hội chợ Thương mại biên giới Việt- Lào tổ chức mới đây tại huyện miền núi, biên giới Nam Giang (tỉnh Quảng Nam), gian hàng sản phẩm nông đặc sản OCOP của vợ chồng anh Huỳnh Tấn Nguyên (đến từ xã Đại Hồng, huyện Đại Lộc) luôn thu hút sự quan tâm tham quan, mua sắm của nhiều người.

Qua giới thiệu của chủ gian hàng, chúng tôi được biết các sản phẩm mà vợ chồng anh Nguyên bày bán, giới thiệu tại Hội chợ lần này có thương hiệu “Nông sản sạch Hồng An” là những sản phẩm được làm ra từ các loại “cây nhà, lá vườn”, do người dân xã Đại Hồng sản xuất; vợ chồng anh Nguyên thu mua về rồi bỏ công chế biến.

Quan sát từ các sản phẩm được chủ nhân gian hàng giới thiệu, chúng tôi cũng bị thu hút bởi tên gọi và nhãn hiệu các sản phẩm làm ra từ nông sản của miền quê nông thôn Quảng Nam như: Bộ ngũ cốc Hồng An OCOP 3 sao, bột ngũ cốc lợi sữa, bột ngũ cốc mẹ bầu, bột ngũ cốc ăn dặm, bột ngũ cốc ăn kiêng, bột mầm đậu nành, bột gạo lứt mè đen, nui rau củ quả sấy khô; ngũ cốc hạt Granola, cốm gạo lứt rong biển, thanh cơm lứt, trà ngũ cốc thảo mộc Hồng An OCOP 3 sao, trà hoa gạo lứt, trà đậu lá đinh lăng, trà hoa quả thảo mộc… “Các sản phẩm này có nguồn gốc từ những nông sản quen thuộc như gạo lứt, đậu xanh, đậu đỏ, đậu trắng, đậu đen, mè đen; được chế biến, gia công với hương vị thơm ngon, phù hợp với thị hiếu người dùng”- anh Nguyên chia sẻ.
 

Theo lời anh Nguyên, để có được những sản phẩm thương hiệu “xanh- sức khoẻ lành”, do cơ quan chức năng của tỉnh cấp, vợ chồng anh đã đi nhiều nơi học hỏi, bỏ nhiều công sức để chế biến mới tạo thành. Anh chia sẻ: Có nhiều lần, tôi phải khăn gói lên Tây Nguyên để học cách chế biến, tìm hiểu quả óc chó, quả cao cao, bơ… rồi về thử hoà trộn với các nông sản của quê nhà như mè đen, đậu đỏ, đậu trắng xanh lòng, mè, gạo lút… Và tôi cũng đến nơi để giới thiệu sản phẩm làm ra. Nhờ sự kỳ công, đến nay sản phẩm của tôi không chỉ đa dạng về chủng loại, mẫu mã đẹp mà còn vươn xa, có đại lý tại một số thị trường lớn như Sài Gòn, Đà Nẵng, Tam Kỳ, Hà Nội… Hiện sản phẩm mang thương hiệu “Nông sản sạch Hồng An” đang dần có mặt ở nhiều nơi trong cả nước, được người tiêu dùng chấp nhận.

Kể thêm về những ngày đầu khởi nghiệp, anh Nguyên cho biết là anh vốn xuất thân từ một cán bộ Đoàn và hiện là Bí thư Đoàn của xã Đại Hồng, đồng thời là một đảng viên. Năm 2017, khi đó lương công tác Đoàn của anh hơn 03 triệu đồng. Với số tiền ít ỏi này chỉ đủ trang trải qua ngày tại miền quê nông thôn Đại Hồng. Tuy nhiên, bằng ý chí, nghị lực của một thủ lĩnh thanh niên, anh nghĩ phải làm cái gì đó để giúp các thanh niên quê mình có công ăn, việc làm. Sau nhiều lần bàn bạc, thảo luận với vợ, anh chị quyết định mở tiệm chế biến nông sản sạch tại địa phương.

“Muốn có sản phẩm sạch phải có nguyên liệu sạch. Đây là yêu cầu khởi đầu của mọi quy trình tạo ra sản phẩm mang thương hiệu sạch Hồng An (Hồng trong Đại Hồng- quê anh Nguyên; còn An trong Đại An- quê vợ anh Nguyên). Chúng tôi ghép tên xã của 2 vợ chồng thành tên sản phẩm của mình làm ra. Gắn với đó, vợ chồng tôi liên hệ với nhiều hộ nông dân trên địa bàn và hỗ trợ vốn, công nghệ sản xuất nông sản sạch rồi bao tiêu, thu mua với giá ưu đãi hơn thị trường. Từ đó, tôi có nguồn nguyên liệu đủ để mở rộng sản xuất. Đồng thời với những nỗ lực này, vợ chồng tôi cũng được Quỹ khởi nghiệp tỉnh Quảng Nam và huyện Đại Lộc hỗ trợ một số máy móc để sản xuất; được ưu đãi về thuế cũng như tạo điều kiện thuận lợi trong thu mua, sản xuất và giới thiệu tiêu thụ sản phẩm”- anh Nguyên chia sẻ thêm.

Theo đại diện UBND xã Đại Hồng, từ mô hình, cách làm của vợ chồng anh Nguyên, đến nay nhiều hộ dân, nhất là các bạn trẻ trên địa bàn địa phương đã học hỏi, một số cũng có kế hoạch huy động vốn, kỹ thuật, công nghệ để mở cơ sở sản xuất như anh Nguyên. Đặc biệt, mô hình của anh Nguyên khẳng định sự thành công nhờ vào ý chí, quyết tâm và nghị lực; là mô hình thiết thực, hiệu quả đối với phong trào lập thân, lập nghiệp; tự thân khởi nghiệp thành công cho tuổi trẻ quê nhà.
 

Chia sẻ thêm về thành công của mình, anh Nguyên cho hay qua, quá trình 5 năm khởi nghiệp với số vốn ban đầu khoảng 03 triệu đồng, đến nay qua tích luỹ cơ ngơi sản xuất của anh cũng kha khá khoảng hơn 500 triệu đồng. “Tuy không lớn nhưng với một mô hình sản xuất tại nông thôn như tôi đã là một thành công lớn. Với tôi, cái lớn nhất đạt được là đã chứng minh rằng, không cần phải quá nhiều vốn mới khởi nghiệp được mà quan trọng là phải quyết tâm, biết dựa vào tài nguyên, sản phẩm của quê nhà để tạo ra sản phẩm của riêng mình. Và qua cách làm của tôi, nhiều bạn trẻ ở địa phương đang học tập, quyết tâm lập khởi nghiệp, góp phần làm giàu cho bản thân và xã hội”- anh Nguyên chia sẻ thêm.

Nói về mong muốn của mình trong thời gian tới, anh Nguyên cho biết: “Tôi hiện là Bí thư xã Đoàn Đại Hồng. Là một thủ lĩnh thanh niên, tôi mong muốn qua mô hình, cách làm của mình sẽ gieo thêm ý chí, quyết tâm và nghị lực lập thân, lập nghiệp cho các bạn trẻ địa phương. Thông qua đó cũng góp phần nhỏ trong giải quyết công ăn, việc làm, tiêu thụ nông sản cho người dân quê nhà. Hiện vợ chồng tôi đang tiếp tục nghiên cứu, thử nghiệm để cho ra thêm nhiều sản phẩm mới, phù hợp với khẩu vị của người tiêu dùng Việt Nam đối với các sản phẩm có nguồn gốc từ nông sản của địa phương. Chúng tôi cũng đang liên kết với một số bạn hàng ở các vùng, miền, địa phương trong cả nước để mở rộng sản xuất, đưa sản phẩm của mình vươn xa hơn; tạo dựng thương hiệu uy tín, an toàn để người tiêu dùng biết đến nhiều hơn”./.
Nguồn tin: https://dangcongsan.vn/tieng-noi-dang-vien-tre/can-bo-doan-khoi-nghiep-thanh-cong-tu-so-von-hon-03-trieu-dong-618453.html

Comment

1
Bạn cần hỗ trợ?